Những phát kiến trong công tác chủ nhiệm lớp
Cập nhật lúc : 15:18 07/08/2013
(GD&TĐ)-Công việc chủ nhiệm lớp vẫn được coi là vừa “khó”, vừa “khổ”. Thế nên, những sáng kiến để tăng hiệu quả công tác chủ nhiệm thực sự rất đáng quý và cần được phổ biến, nhân rộng.
Lớp phó phụ trách học tập: Theo dõi nề nếp học tập chung và tổng hợp để đánh giá hoạt động học tập vào tiết sinh hoạt cuối tuần.
Lớp phó phụ trách lao động: Phân công, theo dõi, đôn đốc công tác lao động, vệ sinh lớp và khu vực, phân công chăm sóc công trình măng non, tổng hợp để đánh giá vào tiết sinh hoạt cuối tuần.
Lớp phó phụ trách Văn - Thể: Theo dõi, đôn đốc các hoạt động văn nghệ, thế dục giữa giờ, tổng hợp để đánh giá vào tiết sinh hoạt cuối tuần.
Tổ trưởng: Điều hành các hoạt động của tổ theo sự phân công của lớp trưởng, lớp phó. Theo dõi điểm của các bạn qua phiếu điểm, ký và trả phiếu điểm vào thứ 7 và thu vào thứ 2 hàng tuần.
Tổ phó: Kết hợp cùng tổ trưởng đôn đốc các hoạt động của tổ, điều hành tổ khi tổ trưởng vắng. Bàn trưởng: Kiểm tra sách, vở, đồ dùng học tập, trang phục Đội viên của bàn.
Mỗi học sinh đều có thể tham gia làm cán sự lớp từ lớp trưởng đến bàn trưởng, trong thời gian 1,5 đến 2 tháng, sau đó lại đổi nhiệm vụ ở các vị trí khác.
Với 18 vị trí từ lớp trưởng đến bàn trưởng trong 1 năm học GV chủ nhiệm có thể đảo vị trí 5 lần và tất cả các học sinh trong lớp đều được tham gia làm cán sự lớp đến 3 lần ở những vị trí khác nhau.
Sau mỗi lần đảo nhiệm vụ của các em ở các vị trí cán sự lớp khác nhau, giáo viên chủ nhiệm cùng cả lớp đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của từng em và rút kinh nghiệm.
Trong quá trình thực hiện các học sinh nhận nhiệm vụ làm cán sự lớp luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, các em phấn khởi hơn, hứng thú hơn, có trách nhiệm hơn với công việc vì luôn nghĩ rằng đây là dịp để thể hiện vai trò của bản thân trong các hoạt động của lớp .Cuối tuần giáo viên chủ nhiệm cùng Ban cán sự lớp đánh giá và rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời.
Sau một thời gian thực hiện cô giáo Nguyễn Thị Hằng nhận thấy lớp đã có những chuyển biến tích cực. Mỗi học sinh nhận nhiệm vụ có một cách riêng để điều hành lớp, tổ, bàn. Các em biết chia sẻ, học tập lẫn nhau, tinh thần tập thể, đoàn kết, thân thiện được nâng cao. Một số học sinh nhút nhát, chưa bao giờ làm cán sự lớp cũng có cảm giác lo lắng, khó khăn, bước đầu giáo viên chủ nhiệm phân công các em làm bàn trưởng hoặc các nhiệm vụ đơn giản hơn để các em tự tin và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở mức cao hơn.
Cách làm trên của cô giáo Nguyễn Thị Hằng đã được một số giáo viên chủ nhiệm khác của trường THCS Đội Bình mạnh dạn áp dụng và đưa ra thảo luận trong Hội nghị "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục" năm học 2009 - 2010 của trường THCS Đội Bình.
Giáo viên chủ nhiệm đối thoại với cán bộ lớp
Cứ mỗi cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm lại tổ chức một cuộc “đối thoại nóng” với cán bộ lớp, vừa để nắm được một cách cụ thể chi tiết hơn tình hình của từng học sinh trên lớp, vừa tạo cơ hội để các cán bộ lớp
thể hiện tâm tư nguyện vọng… Đó là cách làm của cô giáo Nguyễn Thị Thu Cúc, nay là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Định (Tp.HCM) từ khi còn làm công tác chủ nhiệm.
Giống như một cuộc nói chuyện cởi mở, cuộc đối thoại thường bắt đầu bằng gợi ý “mềm” của cô chủ nhiệm: “mấy đứa nói cho cô nghe lịch sự trong giao tiếp, thế nào là đúng, thế nào là không được”. Theo cô Cúc, để các em tự nói cũng là cách để các em tự đòi hỏi bản thân mình phải làm được điều đó.
Những buổi đối thoại kéo gần khoảng cách giữa cô và trò đó, thoạt nghe tưởng dễ. Nhưng, theo cô Cúc, trước khi làm điều này, người thầy phải tạo được sự gần gũi và niềm tin của học sinh. Sau đó, việc tạo không khí gợi mở, tự nhiên, để cuộc nói chuyện không trở nên khô cứng, hình thức cũng đòi hỏi không ít trí lực, sự khéo léo của người thầy.
Quan điểm quản lý lớp của cô Cúc là làm sao để phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo của học sinh. Còn làm thế nào để cho học sinh của mình chủ động thì là cả một nghệ thuật.
Một ví dụ nhỏ cô Cúc kể lại: Quyên góp ủng hộ bão lụt miền Trung, cô đã ngồi cùng học sinh của mình, kể lại những chia sẻ trên mạng của một vài học sinh vừa chịu hậu quả trận bão: “Mấy ngày nay con đói lắm, con chỉ muốn được 1 bữa ăn no”; “Tập vở của con bị trôi hết, con muốn đến trường nhưng con không có tập, không có sách,cô giáo nói với con thôi con cứ đến đi rồi các thầy cô sẽ mua sách mua tập lại cho con”…
Sau đó, cô nói với học sinh: Bây giờ các em cùng với cô hãy lắng xuống 1 phút, yên lặng 1 phút để nghĩ xem nếu khi mình gặp khó khăn mà được ai đó chia sẻ mình có hạnh phúc không? Chắc chắc là mình rất hạnh phúc. Vậy các bạn ở miền Trung, Tây Nguyên mà nhận được những chia sẻ của học sinh Gia Định mình là những cuốn tập, những cây bút để các bạn lại có thể đến trường chắc mấy bạn sẽ hạnh phúc lắm. Chỉ đơn giản như thế nhưng hiệu quả thật không ngờ.
Sau này, khi trở thành hiệu trưởng nhà trường, cô Cúc vẫn tiếp tục cách quản lý này. Tuy nhiên, việc hiệu trưởng thường xuyên tổ chức đối thoại với giáo viên và học sinh vẫn chưa phải là phổ biến trong nhà trường.
Hiếu Nguyễn
Bản quyền thuộc TRƯỜNG THCS ĐẶNG VĂN HÒA
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thcs-pson.phongdien.thuathienhue.edu.vn/